Lý do Masan hút vốn ngoại

SK Group, Alibaba… rót vốn cho Masan cùng các công ty thành viên liên tiếp được vì thấy rõ hiệu quả và tiềm năng của chiến lược “Point of Life”.

Các thương vụ đầu tư thành công

Hôm 11/11, Masan Group và SK Group công bố ký kết thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX) với tổng giá trị tiền mặt 345 triệu USD. Trong đó, SK Group rót 340 triệu để sở hữu 4,9% cổ phần tại đây.

Lần thứ ba SK rót vốn vào Masan và các công ty thành viên. Hồi tháng 4, họ chi 410 triệu USD để mua lại 16,26% cổ phần WinCommerce. Tháng 10/2018, SK cũng đầu tư 470 triệu USD để sở hữu 9,5% cổ phần Masan và trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất.

“Masan là đối tác lý tưởng nhất để phát triển chiến lược mang tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam”, đại diện SK Group từng nói. Ba năm qua, tập đoàn đầu tư đa ngành của Hàn Quốc đã chi tổng cộng hơn 1,2 tỷ USD vào Masan.

TCX – nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất MasanConsumer Holdings và VinCommerce (đổi tên thành WinCommerce) có sức hút lớn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. The CrownX được xem là phiên bản Việt Nam của các ông lớn bán lẻ lớn thế giới như Reliance Retail/Jio (Ấn Độ) hay Alibaba (Trung Quốc).


Các cửa hàng mini-mall tích hợp Phúc Long, dịch vụ ngân hàng Techcombank, dược phẩm Phano. Đây là một phần trong chiến lược “Point of Life” của Masan.

Trước đó theo thống kê từ Mergermarket, ba quý đầu năm 2021, các thương vụ M&A được công bố trị giá đạt 3 tỷ USD, với 8 trên 10 thương vụ quy mô lớn nhất được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Alibaba Group và Baring Private Equity Asia chi 400 triệu USD mua lại 5,5% cổ phần TCX.

Thỏa thuận hợp tác với nhóm nhà đầu tư trên góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của The CrownX và tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ giao dịch, TCX sẽ hợp tác với Lazada, cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm, thúc đẩy WinCommerce trở thành nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử này. Công ty đặt mục tiêu tổng giá trị hàng hóa từ kênh online của TCX chiếm ít nhất 5% tổng doanh số bán hàng trong tương lai.

Lý do Masan liên tiếp nhận đầu tư

Các quỹ ngoại liên tiếp rót vốn khi chứng kiến hoạt động kinh doanh của TCX cải thiện từng ngày. Dù gặp khó khăn vì dịch, năm nay, Wincommerce vẫn khởi sắc, ghi nhận EBITDA dương với hiệu suất tăng trưởng liên tiếp. Quý 3 lần đầu chuỗi bán lẻ này đạt lãi ròng 137 tỷ đồng, giá trị dương sau bảy quý được Masan mua lại. Biên EBITDA đạt 5,5%, tức ăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó quý 4/2020, VinCommerce (nay là Wincommerce) lần đầu ghi nhận EBITDA dương 16 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất 0,2%. Thành tích này đánh dấu cột mốc quan trọng với mảng bán lẻ của Masan Group, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi trong năm 2021.

Đại diện SK Group cho biết đánh giá cao TCX vì thấy rõ hiệu quả và tiềm năng của chiến lược “Point of Life” mà tập đoàn theo đuổi. Sắp tới, ban lãnh đạo Masan ưu tiên tăng tốc mở rộng mô hình mini-mall tại The CrownX. Nền tảng khách hàng thân thiết này tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (tiện ích tài chính) và Mobicast (nhà mạng di động mới)…

Tập đoàn đặt cũng mục tiêu duy trì có lãi khi hệ thống bán lẻ mở rộng quy mô thông qua kế hoạch gia tăng mức đóng góp của danh mục nhãn hàng riêng, chiếm 20-25% doanh số kênh bán lẻ hiện đại; thúc đẩy xu hướng mua sắm nhu yếu phẩm trên kênh online.

Bên cạnh đó, Masan muốn hợp tác 2.000-3.000 đối tác bán lẻ truyền thống của Masan Consumer Holdings thành các đối tác nhượng quyền của WinCommerce, phát triển chương trình khách hàng thân thiết và hệ thống thanh toán thông qua ví di động (mobile wallet).


Người dân mua sắm nhu yếu phẩm tại siêu thị VinMart.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc của Masan Group cho hay: “Thỏa thuận đầu tư của SK khẳng định niềm tin vững chắc vào sự thành công của mô hình ‘mini-mall’ trên toàn quốc. Bước nhảy vọt tiếp theo của Masan là thúc đẩy phát triển nền tảng khách hàng thân thiết và tăng tốc số hóa để phục vụ mọi nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, từ sản phẩm đến dịch vụ trên cả kênh offline và online.”

Để phục vụ các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng “Point of Life”, Masan đặt mục tiêu khép lại vòng huy động vốn tiếp theo ở TCX với giá trị từ 200 lên 300 triệu USD trước cuối năm nay. Sắp tới, tập đoàn có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu tại TCX.

Nguồn: https://vnexpress.net/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *